Nhu cầu, mong muốn, ham muốn của chúng ta, chúng khác nhau?

Một số câu nói rất quen, rằng: Ăn còn chả đủ no nói gì đến quần áo. Áo còn chả có mà mặc nói gì đến thưởng thức tinh thần.

Và một câu nói cũng rất quen thuộc mà ai cũng biết ai nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được SỐNG, quyền TỰ DO và quyền mưu cầu HẠNH PHÚC”

SỐNG, nghĩa là những điều cần thiết để đảm bảo cho tồn tại và phát triển được đáp ứng, nói một cách khác, các nhu cầu cá nhân liên quan đến sự sống còn, mà việc “điền” vào các nhu cầu giúp chúng ta đơn giản là còn ở trên cuộc đời này. Về cơ bản, ai cũng có các nhu cầu như sau:

– nhu cầu sinh lý: ăn, uống, không khí, sinh lý (dinh dưỡng, tình dục…)…
– nhu cầu tâm lý: an toàn, khỏe mạnh, nghề nghiệp…
– nhu cầu xã hội: gia nhập cộng đồng, được tôn trọng, được tin tưởng…
– nhu cầu tự thể hiện bản thân: muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng…

Như vậy, “có thực mới vực được đạo”; không đạt đến thỏa mãn điều kiện vật chất tối thiểu, thì các hoạt động khác sẽ là ưu tiên thứ. Việc tìm kiếm cách để đáp ứng nhu cầu sẽ giữ chúng ta ở mặt đất, chân luôn “chạm vào mặt đất”. Chúng ta xoay xở, lo toan, bận rộn với hoạt động; mọi hành động đều có mục đích rõ ràng, vì nhu cầu thôi thúc thường trực.

tumblr_lkhcyb04sP1qffbeho1_500Với những ai không gặp “vấn đề” với việc đáp ứng các nhu cầu của cá nhân cũng như người thân của mình, (vì chúng ta luôn có phương tiện phù hợp, lành mạnh – theo chuẩn mực của xã hội), chỉ có một lưu ý là mỗi người có một tiêu chuẩn về sinh lý, tâm lý, xã hội khác nhau nên việc đáp ứng ấy ở các “mức độ” rất khác nhau đối với mỗi người. Tuy nhiên, điều này cũng giúp chúng ta phân biệt những nhu cầu xác đáng với những “ham muốn”.

Song song với các hoạt động sống (vì nhu cầu), là con người, chúng ta luôn có những điều khác cũng thôi thúc không kém. Có thể kể tới những điều chi phối, điều chỉnh các hoạt động sống của chúng ta từ những điều ý thức được như: cảm xúc (ví dụ: thích, hứng thú, ham mê, đam mê), lý tưởng (ví dụ: khao khát, mong muốn), đến cả những điều nhiều khi khó ý thức được trọn vẹn như ham muốn (mơ ước, ước vọng).

Chỉ có con người mới có ham muốn. Thượng đế không có bởi vì ổng đã hoàn hảo, con vật không bởi vì nó chỉ lang thang với nhu cầu của nó. Ham muốn là động cơ cho sự tồn tại của chúng ta với tư cách con người, ham muốn gắn liền với bản năng sống của con người. Tuy nhiên nó lại không đòi hỏi phải được đáp ứng như nhu cầu. Ham muốn có mặt nhưng không nhất thiết luôn luôn phải được hiện thực hóa. Thỏa mãn ham muốn luôn gắn liền với thích thú, vui sướng.

(Về mặt khái niệm, ham muốn là việc tìm kiếm một đối tượng mà người ta tưởng tượng hay người ta biết rằng đó là nguồn mang lại sự hài lòng. Vì vậy người ta chỉ ham muốn cái mà người ta không có. Đối tượng càng khó đạt tới, cảm giác thiếu hụt trở thành chịu đựng, đau khổ. Vì vậy, việc thỏa mãn ham muốn cũng chấm dứt sự chịu đựng. Điều này có liên quan tới việc ham muốn và phương tiện thỏa mãn ham muốn cần phải nằm trong khuôn khổ nhân văn và phẩm cách của chủ thể. Nếu tiếp tục theo hướng này, thì sẽ là nội dung rất dài và rộng…)

Nhiều người cho rằng ham muốn cản trở về mặt đạo đức. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, nếu con muốn mua thêm một cái áo, bố mẹ đã nói rằng “con có bao nhiêu quần áo rồi còn gì, con phải nghĩ đến những bạn khác còn không đươc như con, con đòi hỏi rồi đấy!”; hay con có muốn cảm nhận sự đón nhận về mặt cơ thể, thì rất dễ bị cấm đoán bằng ý tưởng rằng “lớn” sớm quá, phải tránh không cho nó có cơ hội “sống” cái muốn ấy, thậm chí phải phạt nặng nó cho “biết sợ”… Họ đâu biết rằng, ngăn cản ham muốn như vậy, và nếu họ thành công, đứa trẻ lớn lên chẳng còn gì sống động, chẳng có động cơ sống ngoài việc là một cái máy được lập trình bởi dạy dỗ, áp đặt những mong muốn, lý tưởng của bố mẹ, thầy cô, xã hội. Cái cá nhân không tồn tại, cuộc sống có ý nghĩa gì?

Bạn có dũng cảm nhận diện ham muốn của mình, để trở nên lành mạnh hơn, cũng như cho phép người khác sống ham muốn của họ (người khác đặc biệt nhất là con em của mình), thay vì dùng rất nhiều nguyên tắc đạo đức, truyền thống văn hóa, lề lối, quyền lực để phán xét và cản trở. Nếu không, điều đó chỉ nói nên rằng, bạn đã cho phép người khác chèn ép mình, bạn đã BỊ THÔN TÍNH, bạn góp phần tự trấn áp mình, bạn không cho phép bản thân được vui sướng (bởi việc hiểu và thỏa mãn ham muốn) NÊN bạn cũng KHÔNG CHO PHÉP người khác có được điều bạn không có. Thật đáng tiếc!

Không nhận thức rõ ham muốn của bản thân, cũng là không nhận thức rõ về chính bản thân mình, bạn dễ là nạn nhân của (những) người khác, của xã hội. Có thể bạn sẽ sống trong lẫn lộn giữa nhu cầu, mong muốn, ham muốn, chúng ta loanh quanh với thích, khao khát sở hữu, mà không nhìn vào nhu cầu của mình, và cũng chẳng bao giờ thỏa mãn, bởi việc thích kia nó chỉ là HI VỌNG thỏa mãn ham muốn (mà không hiểu đích thực ham muốn gì) mà thôi.

Tóm lại,

Nhu cầu không được điền vào kịp thời thì có thể dẫn tới cái chết vật lý.

Mong muốn không đạt được, người ta sẽ tiếp tục xoay xở để hoặc thay thế bằng mong muốn khác, hoặc thay đổi phương tiện thể đạt được mục đích của mong muốn, hoặc chấp nhận từ bỏ bằng nhận thức về điều mình mong muốn. Mong muốn vẫn giữ người ta hoạt động trong cuộc sống, thúc đẩy gia nhập xã hội để thực hiện mục tiêu. Mong muốn nhiều khi là cách để tìm kiếm sự hài lòng cho ham muốn mà không được nhận thức rõ.

Ham muốn không được đáp ứng một cách phù hợp (hoặc bằng sự lắng nghe, đón nhận của người khác, hoặc bằng hiện thực hóa ham muốn, hoặc bằng tự nhận diện ra ham muốn bởi chính bản thân mình) thì để lại những “lỗ hổng”, sự “trống vắng” trong tâm lý, điều này ảnh hưởng tới hành vi, tính cách và các khó khăn về sức khỏe tâm trí của con người, nhiều khi theo xu hướng suy giảm hứng thú, khắc nghiệt với bản thân (có thể với cả người khác), thậm chí tự hủy hoại bản thân, dẫn tới cái chết tinh thần (Zombie hoặc suốt ngày quanh quẩn “gãi ngứa”) và tệ hơn là bao gồm cả việc chấm dứt sự sống nữa.

Ngô Thị Thu Huyền