Cáu giận, bực tức, giận dữ, nổi giận, những điều ấy có ý nghĩa như thế nào

An-angry-woman-007Có thể lần mò theo thời gian để nhớ lại được rằng mình đã từng giận dữ lần đầu tiên trong cuộc đời như thế nào, điều gì đã diễn ra lúc đó, mình đã suy nghĩ gì và mình đã phản ứng như thế nào? Và cho đến sau này, điều gì dễ gây cho mình nổi giận, thói quen phản ứng của mình trong tình huống gây giận dữ như thế nào?

Về mặt cơ thể, khi giận dữ, não điều tiết adrenaline, norepinephrine, cortisol và các hormon khác vào máu, nhịp thở tăng lên, tăng trương lực cơ, tăng nhịp tim… Vê mặt cảm xúc, chủ đạo và mạnh mẽ nhất là cảm giác bất lực. Nguyên nhân gây ra trạng thái thể chất và tinh thần này, nói chung là sự phật ý hay điều gì đó đổ vỡ, mất mát.

Tình huống, sự kiện đang đối mặt chuyển tới chúng ta thông điệp rằng, chúng ta đang bị xúc phạm, quyền lợi đang bị lấn áp, nhu cầu và mong muốn không được đáp ứng đầy đủ, hoặc đơn giản hơn: việc đang xảy ra là không đúng với sự chờ đợi, kỳ vọng của chúng ta.

Một cách sâu xa hơn, cơn giận nổi lên là dấu hiệu báo cho biết chúng ta đã không chú tâm tới một vấn đề quan trọng nào đó trong đời sống tâm trí mình, hoặc là quá nhiều cái trong “bản ngã” chúng ta – như niềm tin, giá trị, ước muốn, ham vọng – đang bị đụng chạm.

Hoặc, một lý do mà nhiều khi chúng ta không ý thức được (vô thức), có thể đó là dấu hiệu rằng chúng ta đã làm nhiều, cho nhiều hơn là chúng ta có thể làm hay cho một cách thoải mái, hoặc người khác đã làm “quá nhiều” cho chúng ta, gây nguy hại cho chính sự trưởng thành của chúng ta.

Vì vậy, tức giận với người bạn, đồng nghiệp, các mối quan hệ xã hội, có thể tìm ra được lý do, nhưng giận dữ người yêu, người bạn đời, giận dữ với bố mẹ, hay nặng nề hơn là những cơn cáu giận tới một cách dễ dàng, vì nguyên nhân không đáng, thì cái lý do thật sự của cơn giận nằm ở tầng sâu tâm trí, khó mà nhận thức được.

Về mặt thái độ, hành xử, chúng ta bất lực nên chúng ta giận dữ, càng giận dữ, chúng ta lại càng bất lực. Tất nhiên rồi, nếu không bất lực, cơn giận không tới, vì đã có giải pháp thay thế, có cư xử phù hợp, lời nói được dùng để biểu hiện các cảm xúc cần thiết. Nhưng vì thiếu vắng khả năng xử lý tình huống, vì bất lực, cơn giận đến ngay lập tức, dưới hình thức dọa nạt (đe dọa bằng lời nói hoặc hành động) để khiến phải tôn trọng mình và tôn trọng giới hạn vùng lãnh thổ, quyền lực của mình.

Cũng dễ dàng hơn khi có đối tượng để hăm dọa mỗi khi cơn giận tới, và tình huống hay con người, những yếu tố bên ngoài được coi như là nguyên nhân và cần phải nhận cảnh cáo, trừng phạt của người nổi giận. Nhưng thật khó khăn nếu không tìm được đối tượng để trút giận, họ sẽ trút giận lên chính bản thân mình. Họ tự đày đọa, dằn vặt bản thân mình, thậm chí cảm thấy tội lỗi. Một cách vô thức, họ đã không tôn trọng chính bản thân mình, họ cho phép người khác xâm hại vùng lãnh thổ ái kỷ, tự tôn của họ, họ cảm thấy bị lợi dụng, họ cảm thấy mất mát trong trưởng thành cá nhân vì sự hi sinh mù lòa của mình. Và đây là điều nguy hiểm, họ tự trừng phạt mình bằng cách hủy hoại bản thân, hủy hoại lớn nhất chính là diệt trừ sự sống của bản thân mình, tự sát.

Một cách không lành mạnh, cơn giận bị dồn nén, thậm chí được dậy dỗ các cách để dồn nén nó, để chúng ta được xã hội chấp nhận, không sứt mẻ các mối quan hệ. Nhưng cũng không lành mạnh khi ta thể hiện cơn giận theo bất cứ cách nào ta muốn. Sự không lành mạnh sẽ làm tăng cảm giác bất lực của bản thân, tăng sự giận dữ chống lại chính mình.

Cơn giận nếu thường xuyên thì gây độc hại cả về thể chất lẫn tinh thần. Cho nên, nếu có thể, hãy học cách giải tỏa cơn giận, thay vì ức chế nó để tỏ ra là người lịch sự, hoặc dùng sức lực lờ sự có mặt của nó đi cho đến lúc kiệt sức là lúc nó phá hủy mình.

Về mặt hành vi, có thể thực hành các bài tập về kiểm soát cơn giận, lặp đi lặp lại việc nhận biết cơn giận, tìm kiếm nguyên nhân có thể và lựa chọn cách ứng xử, học cách chấp nhận bản thân và học cách thích nghi xã hội, cho đến khi thành một phản ứng tích cực.

Tôi thiên về mặt tìm hiểu cơ chế của cơn giận, bạn hãy suy nghĩ về những kỳ vọng, những ham muốn của bạn không được đáp ứng, thỏa mãn, hãy tìm kiếm những gì bạn cho là bị mất mát, bị “tước đoạt” trong quá trình lớn lên của bạn, tại sao bạn lại để mình bị “tước đoạt” như vậy, tại sao bạn lại chọn việc để mình bị mất mát. Bạn có hiểu về những xung đột khiến tâm hồn mình phải chịu đựng, những nỗi đau bạn đang mang về sự bất công, sự bỏ rơi, sự thiếu vắng tình yêu thương… hãy trung thực với mình và biết cách dùng lời nói diễn đạt và thay thế cho những nỗi đau (les mots pour les maux). Rồi bạn sẽ thấy, cơn giận chỉ là triệu chứng muốn chuyển tải điều gì đó cho bạn, khi bạn hiểu điều nó muốn truyền tải rồi, thì nó lại tự động biến mất, bạn trở nên thanh bình, tĩnh tại, có sự thay đổi về “chất” trong con người, một cách tự nhiên.

Tức giận là cơn lốc xóa đi mọi sự thông minh. Bạn có muốn mình bị điều khiển luôn luôn bởi cơn lốc ấy không?

Ngô Thị Thu Huyền