Tính lịch sử và văn hoá trong quan niệm và cách điều trị các chứng bệnh tâm trí

Ở những nền văn hoá khác nhau, việc điều trị các chứng bệnh rối nhiễu tâm lý và rối loạn tâm thần (gọi chung là rối nhiễu hay rối loạn tâm trí) được xem xét trong phạm vi rộng hơn, bao hàm cả các giá trị tôn giáo và xã hội.

Lịch sử chữa trị các chứng tâm bệnh đã chứng kiến khung cảnh đối xử thiếu tình người đối với các bệnh nhân có những rối loạn tâm trí.

Trong suốt lịch sử phát triển của mình, con người luôn luôn sợ những rối loạn tâm tư, cho đó là do “ma làm. quỷ nhập”.

tableau-delphine-charlotte
Nguồn ảnh: http://www.efapo.fr/histoire-de-la-psychoterapie/

Giữa thế kỷ XV, ở Đức, thuật ngữ MAD (người điên) được quy ghép cho quỷ thần (quỉ thần đã lấy mất lý trí của những người này). Theo toà án giáo hội, người có rối loạn tâm trí sẽ bị hành hạ. Quan niệm và thái độ sai lầm này đã lan ra khắp Châu Au. Thậm chí, thời kỳ phục hưng nở rộ những tài năng về nghệ thuật và trí tuệ nhưng nỗi lo sợ những người có những rối loạn tâm trí vẫn tăng lên. Nhà thờ Thiên Chúa giáo ở ROMA đã phát động chiến dịch “tiễu trừ quỉ”. Những người bị rối loạn tâm trí bị nhốt, bị đối xử như những con vật, bị hành hạ đau đớn cho đến chết hoặc bị truy bức như những nhân chứng của ma quỉ.

Vào năm 1692, ở thị trấn Massachusetts, có một số cô gái và những phụ nữ trẻ trải nghiệm những cơn co giật, ngất và buồn nôn. Những người này có cảm giác đau tức, khó thở, cảm giác như bị ai cáu véo, cảm giác đau buốt như bị ai cắn. Một số có cảm giác như bay trong không khí. Những triệu chứng kỳ lạ này bị coi là do quỉ thần ám hoặc do các thầy phù thuỷ sai khiến, kết quả là hơn hai mươi người đã bị hành hình.

Mãi tới cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, nhận thức rối loạn tâm trí như là một chứng bệnh tâm thần mới xuất hiện ở Châu Âu. Chẳng hạn vào năm 1801, một bác sỹ người Pháp tên là Philippe Pinel đã viết: “Khác xa với những người phạm tội, họ xứng đáng bị trừng phạt. Người bị rối loạn tâm trí là người bệnh, họ có trạng thái đau khổ của con người. Họ nên được điều trị bằng phương pháp đơn giản nhất để phục hồi lý trí cho họ”. Năm 1818, Reie–một bác sỹ. một nhà giải phẫu học–đã viết cuốn “Cuồng tưởng và phương pháp tâm lý trong điều trị những sang chấn tâm lý”, trong đó chủ trương sử dụng liệu pháp tâm lý như là một hướng điều trị tích cực.

Ở Hoa Kỳ, những người bị rối loạn tâm trí bị hạn chế về quyền được bảo vệ, quyền được an toàn trước cộng đồng. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 19, khi tâm lý học được xem như là ngành học chiếm được niềm tin và sự kính trọng thì trị liệu tâm lý được coi là một chiến lược chữa trị quan trọng. Các chứng rối lọan tâm trí được xem là những chứng bệnh có nguồn gốc tâm lý và xã hội có thể được điều trị bằng vệ sinh tâm lý như các bệnh lây nhiễm đã được điều trị bằng vệ sinh thân thể.

Tuy nhiên càng ngày xã hội Phương Tây hiện đại càng xem các chứng rối loạn tâm trí như là hậu quả của những ứng xử cá nhân do những kiểu thất bại nào đó trong các mối quan hệ giữa cá nhân với gia đình, cộng đồng hay xã hội. Do vậy việc chữa trị muốn có hiệu quả phải tính đến các yếu tố tâm lý này và cố gắng tìm kiếm, phát triển những liệu pháp tâm lý đặc hiệu.

Trong nhiều nền văn hoá khác, việc điều trị các chứng bệnh tâm lý liên quan đến tôn giáo, phép phù thuỷ, ma thuật, bùa chú và các nghi thức được thực hiện khá huyền bí bởi các thầy lang hoặc thầy cúng. Một số người đã thừa nhận rằng có một sức mạnh thần bí đặc biệt, có thể giúp biến đổi hoàn toàn những trạng thái rối loạn của người bệnh. Các nghi lễ chữa bệnh dân gian đã sử dụng yếu tố tượng trưng, thần bí và nghi thức, truyền niềm tin và ý nghĩa cảm xúc đặc biệt vào quá trình điều trị. Do đó làm tăng tính chịu ám thị và có thể có tác dụng nào đó ảnh hưởng tới các tác nhân (từ bên trong hay bên ngoài) đang duy trì bệnh.

Trích từ cuốn sách Tâm lý trị liệu (Ứng dụng trong lâm sàng và tự chữa bệnh), Nguyễn Công Khanh